Cẩn thận khi dùng thuốc Đông y

Cẩn thận khi dùng thuốc Đông y

TTH - Với nhiều người, sử dụng thuốc Đông y (thuốc nam, thuốc bắc) được xem là phương pháp chữa bệnh hữu hiệu. Thế nhưng, nếu không cẩn thận, thuốc Đông y sẽ là con dao hai lưỡi.

 

Lương y Lê Hữu Mạch (bên phải) khuyến cáo liều lượng sử dụng cây mật gấu cho người bệnh

Những năm qua, tại Việt Nam xảy ra nhiều trường hợp bị ngộ độc, dị ứng sau khi sử dụng thuốc Đông y. Theo tìm hiểu, những người mắc các chứng bệnh, như nhức mỏi, đau xương khớp, yếu sinh lý… thường tìm đến các bài thuốc Đông y. Hiện, các bài thuốc Đông y được nhiều người sử dụng đó là, Minh Mạng thang, Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử… Những bài thuốc này chủ yếu giúp con người bồi bổ, tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, nhiều người sử dụng các loại cây được đồn thổi là “thần dược” để chữa bệnh.

Bà  Lê Thị Hồng (phường Hương Long, TP. Huế) cho biết, bà đang dùng thân cây mật gấu xắt lát phơi khô mua ở một nhà thuốc với giá 100 nghìn đồng/kg. Trước đó, em trai bà bị tiểu đường nặng, sau một thời gian sử dụng thân cây mật gấu sắc uống, đi thử đường huyết thì thấy ổn định, ăn ngủ tốt. “Bản thân tôi sắc uống hàng ngày thấy không có tác dụng phụ gì. Bạn bè người quen mách nhau về hiệu quả của loại cây này nên tôi rất tin tưởng khi sử dụng trong việc tăng cường phòng bệnh cho người già”, bà Hồng kể.

Theo lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y TP. Huế, cây mật gấu không có tên trong các vị thuốc Đông y, cũng chưa được khuyến cáo trồng trong vườn thuốc nam. Loại cây này người dân chủ yếu sử dụng theo cách truyền miệng. Xuất phát từ các vùng cao phía Bắc, ở Huế nhiều gia đình cũng trồng và uống lá mật gấu.

Cây mật gấu có tác dụng trong hỗ trợ điều trị tiểu đường, huyết áp cao, mỡ trong máu. Sau một thời gian sử dụng, nên đến các cơ sở y tế kiểm tra các chỉ số nhằm có sự điều chỉnh phù hợp chứ không nên lạm dụng với liều uống quá lớn. “Trong nước chưa có công trình nghiên cứu cụ thể hay thử nghiệm lâm sàng nên đừng ưu việt hóa loại cây này để chữa bệnh”, lương y Lê Hữu Mạch khuyến cáo.

Hiện nay, rất nhiều loại thuốc từ động thực vật được người dân ngâm rượu rất tiện cho việc sử dụng, nhất là để mời khách đến chơi nhà trong dịp tết. Dân gian thường quan niệm “yếu gì, uống đó”, thế nên cứ thứ gì tốt, quý muốn dùng lâu dài người ta mang đi ngâm rượu. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài, Trưởng khoa Dược, Trường đại học Y Dược, ĐH Huế cho rằng: “Cũng như thuốc Tây, Đông y cũng có những đặc điểm riêng. Có hàng ngàn loại cây, mỗi loại có một dược tính, cây có tính nóng, cây có tính lạnh hay có cây khử độc, hạ sốt. Rất khó có công trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thuốc Đông y nếu sử dụng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả. Ngoài ra, bản thân mỗi cây thuốc đều có chứa các thành phần độc hại và sẽ nguy hiểm khi sử dụng sai nguyên tắc và liều lượng. Thực tế, thời gian qua có nhiều nhiều người ngộ độc, dị ứng sau khi sử dụng thuốc Đông y không đúng phương pháp”.

Nói về nguyên nhân gây nên dị ứng và tác dụng phụ do thuốc Đông y, một thầy thuốc Đông y cho rằng: “Các bài thuốc Đông y chủ yếu bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe. Để xảy ra tác dụng ngược là do cơ thể không thích ứng với loại thuốc đó. Ví như, người nhiệt uống hàn và ngược lại. Với các loại thuốc ngâm rượu, bị phản tác dụng có thể do người uống dị ứng với rượu”.

Khi các thuốc được người dân sử dụng ngâm rượu một cách phổ biến, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, rượu dùng để ngâm phải có nguồn gốc rõ ràng, loại 30-50 độ; rượu ngâm thuốc sau một tuần có thể uống nhưng nếu ngâm động vật thì thời gian ngâm phải trên ba tháng. Với rượu rắn, nên xử lý qua để thải độc tố. Rượu ngâm thuốc nên uống một lượng bằng tách trà nhỏ vào bữa cơm tối là vừa đủ. Ngoài ra, không phải bài thuốc nào cũng có thể sử dụng được. Thuốc được sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng. Khi chữa bệnh hay dùng thuốc Đông y để ngâm rượu cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc và tuân thủ đúng nguyên tắc, liều lượng, cách dùng…

Lương y Lê Hữu Mạch chia sẻ: “Tôi từng gặp trường hợp mặt bị sưng phù do mở nắp bình ngâm rượu rắn. Với trường hợp này, áp dụng trong uống ngoài đắp đậu xanh sẽ hết. Để giải rượu, bia, trong nhà có sắn dây khuấy uống chanh đường rất tốt hoặc có thể mua cây cà gai leo ở các tiệm thuốc bắc, các nhà thuốc về nấu uống cũng hiệu quả”.

T.Linh - L.Thọ Nguồn Thừa Thiên Huế online