Nhà sư mang áo...Blouse!

Ở Huế, ai cũng biết một nhà sư mang tấm áo Blouse trắng, ngày ngày khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Ở Huế, ai cũng có thể tìm đến Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa để nhận cho mình những ân huệ của cuộc đời trong cái tâm thế thanh thản của Thiền. Hàng triệu lượt người, hàng chục tỷ đồng đã đến với người nghèo từ sau hạnh nguyện của nhà sư Tuệ Tâm mà ai ai cũng biết, cũng nhớ!

Hạnh nguyện y thuật giúp đời

Sau buổi khám bệnh, sư Tuệ Tâm thay áo blouse trắng, khoác lên mình tấm y vàng của người tu hành và dành cho tôi một buổi chuyện trò nơi trà thất: “Tôi ở Huế đi tu từ nhỏ. Gia đình có truyền thống về y học cổ truyền. Năm 1974 tôi có duyên theo học một lớp châm cứu do Thượng tọa Tâm Ấn hướng dẫn và học với những vị lương y danh tiếng khác. Năm 1976, tôi về tu tại ngôi chùa lá Huyền Không bên Bắc đèo Hải Vân...”

Sư Tuệ Tâm nhớ lại, trong một ngày các sư huynh đi vắng, một mình ông ở lại Huyền Không tự mê mẩn ngắm hoàng hôn, quan sát được những sự đổi thay giữa hư vô lồng lộng. Cảm nhận về sự mong manh của kiếp người, ông nghĩ về pháp danh Tuệ Tâm của mình, liệu có chút liên hệ gì với Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh hay không?

Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tâm, Thích Tuệ Tâm, chữa bệnh, nhà sư, blouse, dân nghèo
                                                                              Hàng triệu lượt bệnh nhân đã được sư Tuệ Tâm khám chữa bệnh miễn phí trong nhiều năm qua

Rồi như là nghiệp dĩ, tâm ông bừng lên một hạnh nguyện làm thầy thuốc cứu người. Ông vào điện Phật thắp hương, đánh chuông, phát nguyện: “Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện dâng hiến xác thân này để phục vụ tha nhân cho đến khi còn hơi thở cuối cùng”. Thuở ấy ông mới là một thanh niên 21 tuổi!

Cũng nhờ hạnh nguyện đó mà Tuệ Tâm chuyên tâm nghiên cứu về Đông y và châm cứu. Ông còn là đệ tử chân truyền của một lương y nổi tiếng về chữa hen suyễn ở Huế.

NHÀ SƯ TUỆ LÂM.

Chữa bệnh nên đặt chữ “Nhân” lên đầu chữ đừng đặt chữ “Lợi” lên đầu. Khi đặt chữ “Lợi” lên đầu rồi là không có đạo đức. Có hai nghề, nghề thầy giáo và thầy thuốc mà đặt chữ “Lợi” lên thì sẽ hư sự hết. Hai nghề cao cả, bổn phận là phục vụ, vô vụ lợi, nếu tính toán, là thua rồi, không trọn vẹn được

Năm 1968, do chiến tranh ác liệt nên chùa Huyền Không phải dời lên thôn Nham Biền, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Nơi đây, sư Tuệ Tâm đã châm cứu và cắt thuốc Nam cho bà con các thôn, xã vùng lân cận. Như một cái duyên, nhiều bệnh nhân đến chữa đều lành bệnh một cách nhanh chóng.

Năm 1982, do nhu cầu chữa bệnh của nhân dân ngày một đông, sư Tuệ Tâm cùng một số học trò “xuống núi” mở phòng khám Đông y chữa bệnh.

“Sư huynh Đức Giới cấp vốn cho chúng tôi 20 thùng lúa và 2.000 đồng để làm vốn. Thật là xúc động biết bao vì ngày đó chùa còn khó khăn, số tiền đó là khá lớn. Công việc chữa bệnh của chúng tôi trải qua mấy địa điểm khác nhau, mỗi ngày chữa trị cho khoảng 150 bệnh nhân hoàn toàn miễn phí. Đôi khi thầy trò chúng tôi còn phải trồng bông vạn thọ để bán Tết kiếm đồng rau cháo qua ngày”, sư Tuệ Tâm nhớ lại.

Nơi 100% bệnh nhân được khám, châm cứu miễn phí

Khi tôi đến, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã có một cơ sở khá khang trang, mỗi ngày khám và điều trị khoảng 250 người, ngày đông nhất là 300 người.

Trung tâm có nhiều phòng chức năng Đông y, Nam y và cả những phòng Tây y tân tiến như phòng điện tâm đồ, phòng siêu âm, xét nghiệm X-quang và một số phòng hỗ trợ chẩn đoán.

Có những bệnh nhân tận Vũng Tàu, TP HCM cất công ra tận đây để được thăm khám và chẩn trị. Có cả những bệnh nhân từ Lào qua và rất nhiều bệnh nhân nghèo ở Huế cũng như những vùng lân cận tìm đến.

Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tâm, Thích Tuệ Tâm, chữa bệnh, nhà sư, blouse, dân nghèo
                                                                                                                           Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa

Điều quý nhất ở chỗ, tại Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, 100% bệnh nhân đến khám, châm cứu không mất tiền, được cấp miễn phí cả kim châm. Thuốc thì tùy theo đối tượng, người có sổ hộ nghèo thì cấp miễn phí, số khác được giảm 20 – 50% hoặc là bán vốn không tính tiền hoa hồng, còn một số thì phải tính phần trăm để duy trì hoạt động.

Sư Tuệ Tâm với chủ trương thu đủ bù chi, thu vào một chút để duy trì hoạt động, hàng tháng chi trả phí tổn, điện nước, sau đó còn thì bồi dưỡng cho anh em mỗi người từ 2 đến 2,5 triệu đồng, vì trước khi vào làm, mọi người đều có đơn xin làm phục vụ là chính.

Ở đây, những nhà hảo tâm đóng góp được nhà sư dùng đi giúp cho người nghèo tại cơ sở. Một năm Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa tổ chức 8-10 chuyến y tế lưu động, về nơi khó khăn, ở 10 ngày châm cứu miễn phí ngay tại cơ sở đó. Một đợt điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân...

Đồng tiền không đi liền hạnh phúc

Đôi mắt sư Tuệ Tâm xa xăm khi nói về cái khổ, cái bệnh, cái hạnh phúc và tiền tài: “Khi tiếp xúc với nhiều cái bệnh, cái khổ thì mình thấy rõ sự thật của cuộc sống. Cuộc sống đầy rẫy sự đau khổ, đó là bài học cho mình, từ đó mình thấy mỗi người có một cái khổ riêng. Cuộc sống này người ta mong muốn tìm kiếm một sự an lạc, một sự thỏa mãn nào đó những trong bản chất của an lạc đó có “khổ” vì cuộc sống vốn vô thường. Nhận thức được điều đó, mình không bị cám dỗ nên tâm mình an”.

Xuống núi, chữa bệnh cứu người và chiêm nghiệm về cuộc sống, sư Tuệ Tâm thấy được rằng con người chạy theo văn minh vật chất chừng nào thì sẽ ảnh hưởng đến sự mất quân bình giữa vật chất và tinh thần chừng đó.

Làm việc để kiếm tiền, kiếm được tiền rồi thì lại muốn có nhiều hơn nữa. Họ ngỡ rằng có nhiều tiền thì sẽ có hạnh phúc những cái đó chưa chắc, đôi khi càng có tiền lại càng xa rời hạnh phúc.

Khám chữa bệnh cho hơn 1 triệu lượt bệnh nhân

Từ năm 1982 đến năm 2013, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đã khám chauwx bệnh cho 1.177.316 bệnh nhân; cấp thuốc miễn phí tại chỗ hơn 2 tỷ đồng; tổ chức các chuyến đi khám, chữa bệnh, châm cứu miễn phí cho 84.759 người; cấp phát thuốc miễn phí trong các chuyến đi hơn 3,2 tỷ đồng. Phối hợp Hệ phái Nam Tông (Phật giáo Nguyên Thủy) tặng nhiều phần quà, xe lăn, gạo, muối, thực phẩm... cho bà con nghèo, thiên tai, lũ lụt giá trị 12 tỷ đồng. Tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cho bệnh nhân HIV mỗi năm 100 triệu đồng.

Hoài Nam

Gia đình & Xã hội xuân Giáp Ngọ