Trao giải thưởng sáng tạo KH & CN

 

Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo KH&CN tỉnh vừa tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng cho 59 công trình sáng tạo Khoa học công nghệ xuất sắc năm 2016.

Hội đông y tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự nhận giải 3 - giải thưởng sáng tạo KH& CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được 68 công trình tiêu biểu của hơn 140 nhà khoa học tham gia trên 07 lĩnh vực, tăng 69% so với giải thưởng lần thứ VII năm 2014. Trong đó, lĩnh vực y dược có 19 công trình; lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống 13 công trình; khoa học và xã hội nhân văn 13 công trình; công nghệ vật liệu 06 công trình; cơ khí và tự động hóa 06 công trình; công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông 05 công trình; lĩnh vực công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, sử dụng năng lượng mới 06 công trình.

Ban tổ chức đã quyết định trao giải cho 59 công trình xuất sắc. Trong đó, có 09 giải nhất, 15 giải nhì, 18 giải ba, 17 giải khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã chọn được 33/59 công trình xuất sắc tham gia Giải thưởng toàn quốc 2016.

Dưới đây là Bài thuốc Thái Y Viện triều Nguyễn đạt giải 3 sáng tạo KH& CN tỉnh TT - Huế. Công trình do BS CK2 Đặng Thị Mai Hoa, Chủ tịch Hội đông y tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đồng các tác giả.

Nhằm góp phần bảo tồn, kế thừa và phát triển nền y học cổ truyền đương đại, Bác sỹ CK2 Đặng Thị Mai Hoa cùng nhóm tác giả LY Thích Tuệ Tâm; LY Lê Quý Ngưu, ThS.Phan Tấn Tô và cộng sự  đã tiến hành đề tài “Sưu tầm, biên dịch, đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn”.

Bác sỹ Đặng Thị Mai Hoa cùng nhóm tác giả nhận giải tại Lễ trao giải KH& CN tỉnh Thừa Thiên Huế

Đây là đề tài khoa học thiết thực, có tính ứng dụng cao, nhất là đối với cố đô Huế. Nếu được kế thừa, phát huy các bài thuốc Thái Y Viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Y dược cổ truyền, góp phần làm đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hôi trong giai đoạn mới.   

Tài liệu thu thập có giá trị nhất là Châu bản triều Nguyễn về ngự dược, thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức. Châu bản triều Nguyễn về y dược Thái y viện đang lưu trữ hiện nay là loại di sản văn hóa phi vật thể quí hiếm, được xem là bảo vật quốc gia. Về mặt y dược, đây là các y án ngự chẩn, ngự trị cho nhà vua, bao gồm: Biện chứng luận trị, lập phương và dâng tiến  ngự dược của Thái y viện có giá trị về mặt pháp lý nhất hiện nay, đáp ứng yêu cầu của đề tài. Bản gốc sách tthuốc của ngự y Lê Văn Doãn (Huế) cũng là loại tài liệu quí.

1.1. Châu bản triều Nguyễn, lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội:

Số trang: 237, cơ giấy: A4, loại hình: Scan màu từ bản chính gốc. Trong đó có:  Châu bản Thái y viện thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức. có châu phê.

Đây là các y án ngự chẩn, ngự trị cho nhà vua, bao gồm: Biện chứng luận trị, lập phương và dâng tiến  ngự dược của Thái y viện có giá trị về mặt pháp lý nhất hiện nay.

1.2. Tài liệu, bài thuốc của ngự y: Sưu tầm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

Số trang: 2.700 , cỡ giấy A4. Dạng photo đen trắng từ bản gốc. Gồm các tập sách:

-  Gia truyền y đạo: VNv 212. Trần Tiên sinh, hiệu Sài Tá soạn. Bản chép tay, chữ Nôm, có kèm chữ Hán, đá thảo, 66 tr, 26x 16cm. Trần Tiên sinh, tức là Trần Văn Nghĩa (1777- 1847), thời Gia Long, được mời vào kinh đô Huế chữa bệnh cho vua.

   Nội dung: Có 2 phần: Thập tam thiên quốc âm diễn ca và Thạch thất thần phương tập giải, gồm các bài thuốc chữa bệnh toàn khoa.

-  Minh Mạng ngự chế y gia lược vấn: Số hiệu VNv 176, chép tay, năm Thân (?), 39 trang. Nội dung là những câu hỏi giản lược của vua Minh Mạng và câu trả lời của người thầy thuốc về đạo làm thuốc của y gia. Phần bài thuốc rất ít.

 - Bách gia trân tàng (Bách hiệu toàn thư): Sách của Thái y Nguyễn Bí. Tất cả 6 tập. Phần Thông dụng loại phương có 76 tờ, ghi chép các bài thuốc chữa bệnh toàn khoa, không sắp xếp theo bệnh.

- Thai sản điều lý phương pháp: Sách thuốc của Nguyễn Thế Lịch, (tức Nguyễn Gia Phan), quan Giám sát ngự sử lục khoa cấp sự trung xứ Sơn Tây, Thượng thư bộ Lại triều Tây Sơn, soạn để sử dụng trong nội phủ theo yêu cầu của chúa Trịnh. Bản chữ Hán, chép tay A 442: 258 tr, 30x 21cm. Đây là sách thuốc cung đình có giá trị về phụ khoa, nhi khoa và cả toàn khoa, được sử dụng từ phủ chúa Trịnh, đến triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

- Vân Khê yếu lục: A 2133/  1- 2, Đại Nam Thái y viện, Hàn lâm viện Biên tu sung Thái y viện quan phòng. Là sách do Nguyễn đại phu (tức Nguyễn Địch (Dịch)), Nguyên Hàn lâm viện biên tu sung Chưởng Thái y viện quan phòng thời Lê Cảnh Hưng (1740- 1786) soạn. Học trò trường Vân Khê đề tựa năm Hàm Nghi nguyên niên (1885). Bản chép tay, chữ Hán, 422 trang, 28x 17cm. Gồm:

Quyển 1: (214 tr) Luận thuyết về Âm dương, Thủy hỏa, ngũ tạng, lục phủ và phương pháp điều trị âm dương, thủy hỏa, khí huyết hư.. Phép điều trị chứng hư gồm 36 điều và phần cuối bàn về Mạch lí.

Quyển 2 (208 trang): Phần Tự dục và Phụ nhân khoa.

1.3. Tài liệu sưu tầm tại quan gia, phủ đệ ở Huế: Số trang: 300.

Đáng chú ý nhất là tập: Nghiệm phương trị liệu, sách thuốc của Chánh ngự y Lê Văn Doãn thời Khải Định. Chữ Nôm chép tay, 150 trang, bản gốc, soạn tháng 5, năm Gia Long thứ 2 (1803), do hậu duệ gia đình trao lại. Nội dung: Chứng bệnh toàn khoa và bài thuốc chữa trị.

1.4. Sách thuốc chỉ định Thái y viện dùng là: Y học nhập môn của Lý Diên, Cảnh Nhạc toàn thư của Trương Giới Tân, Phùng thị cẩm nang của Phùng Triệu Trương.

1.5. Các tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn, của các quan gia, phủ đệ hoàng tộc biên soạn, ghi chép, sử dụng,, các sản phẩm cung đình…

Nhận định:

- Công tác tổ chức sưu tầm theo kế hoạch là ở nhiều địa phương. Phần lớn, thu thập được ở Viện nghiên cứu Hán Nôm và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội.

- Triều Nguyễn không có chủ trương biên soạn tài liệu dược riêng của Thái y viện như Thái y viện Trung Quốc, Triều Tiên, nên tài liệu về bài thuốc Thái y viện hiện còn lưu lại rất ít.

- Các tài liệu về bài thuốc Thái y viện sưu tầm được phần lớn là toàn khoa. 

- Tài liệu thu thập có giá trị nhất là Châu bản triều Nguyễn về ngự dược, thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, bản gốc sách thuốc ngự y.

Sưu tầm, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn là đề tài mang tính thời sự rất cần thiết, phù hợp với chủ trương kế thừa phát huy, phát triển YDCT của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

Kết quả, đã sưu tầm, thu thập được nhiều tài liệu về bài thuốc Thái y viện triều Nguyễn và liên quan. Có giá trị nhất là các tài liệu Châu bản triều Nguyễn Thái y viện về ngự dược và bản gốc sách thuốc ngự y triều Nguyễn. Đã tuyển chọn, biên dịch 1.000 trang từ Hán Nôm ra tiếng Việt và thống kê, phân loại các bài thuốc và đề xuất hướng sử dụng theo 15 chuyên đề, trong đó có 10 chuyên đề sử dụng bài thuốc cung đình và 5 chuyên đề sản xuất đặc sản cung đình.

Đây là đề tài khoa học thiết thực, có tính ứng dụng cao, nhất là đối với cố đô Huế. Nếu được kế thừa, phát huy các bài thuốc Thái y viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động YDCT, góp phần làm đa dạng và đặc sắc văn hóa địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hôi trong giai đoạn mới.  

PV