Hội Đông y Thừa Thiên Huế hướng về người nghèo

(TTH) -  Mới sáng ra, trước trạm y tế xã Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền đã có khẩu hiệu treo sáng ngời: “Hội Đông y Thừa Thiên Huế khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí”.

Những người dân nghèo và hộ gia đình chính sách đã được xã xét và có giấy mời trong tay lần lượt có mặt tại điểm hẹn. Đúng 8 giờ sáng, mọi người đã tập trung đầy đủ cũng là lúc xe chở 8 thầy đông y từ Huế về. Cuộc gặp gỡ đúng là tay bắt mặt mừng. Thầy thuốc và bệnh nhân chụp tấm ảnh chung kỷ niệm, ngay sau đó bên cạnh phòng thuốc đã xếp đặt xong, các bệnh nhân có số thứ tự được gọi vào khám.

Trong phòng khám, máy móc duy nhất là dụng cụ đo huyết áp, còn tất cả thầy thuốc đều bắt mạch cho bệnh nhân, xong kê đơn thuốc, bệnh nhân đến phòng thuốc nhận thuốc.

 

Tôi gặp một cụ vừa nhận thuốc ra:

 

- Cụ làm nghề gì cụ?

 

Cụ vui vẻ đáp:

 

- Dân xã tôi có 3 nghề: làm ruộng, nuôi hải sản trên phá Tam Giang và đánh bắt cá ngoài biển. Tôi là ngư dân lặn lội ngoài biển khơi.

 

- Cụ bị bệnh gì vậy?

 

- Tài thật, tôi không khai báo gì hết, chỉ bắt mạch vậy mà thầy đông y nói đúng bệnh của tôi là đau xương sống và nhức hai đầu gối.

 

- Cụ có suy nghĩ gì về đợt khám chữa bệnh này?

 

- Ở mãi bên bờ biển này, thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh, lắm lúc đau phải nén hơi mà chịu. Giờ có được thầy thuốc về tận nơi khám bệnh lại cho cả thuốc nữa. Mấy hôm nay, được tin này xóm tôi xôn xao cả lên. Mừng quá anh ạ.

 

Đúng đến 11 giờ rưỡi trưa, 150 người bệnh đã được khám và phát thuốc xong. Cũng không khí làm việc vui vẻ như vậy, ngày hôm sau các thầy thuốc về Thủy Phù và ngày hôm sau nữa đi Sịa. Tổng cộng trong 3 ngày các thầy thuốc của Hội Đông y đã khám và cấp thuốc cho 410 người.

 

Gặp chị Đặng Thị Mai Hoa, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, tôi hỏi:

 

- Đối tượng được khám và phát thuốc là thế nào chị?

 

Chị Mai Hoa đáp:

 

- Đối tượng của chúng tôi là người nghèo. Đặc biệt là trong đó có những gia đình chính sách nghèo. Những gia đình nghèo ấy có trong hồ sơ nghèo của xã. Chúng tôi phát giấy mời, xã cho chúng tôi danh sách để đề tên vào giấy mời cho đúng tên tuổi. Sau đó xã giúp chúng tôi đưa giấy mời về đến tận nhà.

 

Tôi hỏi tiếp:

 

- Tôi thấy đợt khám này hội chở về cả một xe thuốc, vậy thuốc phát miễn phí ấy hội lấy ở đâu ra?

 

Chị Mai Hoa đáp:

 

- Những đợt đi khám và phát thuốc là kế hoạch làm từ thiện của hội. Thuốc của đợt đi này là do tiền từ thiện của bốn đông y trong hội: ông Chê, ông Đương, ông Tẩn và ông Ngưu. Với tổng số tiền các ông góp cho là 40 triệu. Riêng một mình ông Đương đã 14 triệu rồi.

 

Chị Mai Hoa kể tiếp:

 

- Anh em đông y rất ủng hộ kế hoạch làm từ thiện của hội. Vì vậy có tiền, chúng tôi không mua thuốc đã điều chế sẵn vì đắt. Mà chúng tôi mua các vị thuốc mới qua sơ chế cho rẻ, rồi cũng chính các thầy đông y tự làm thuốc để phát cho dân. Làm từ thiện cũng nhiều chuyện vui lắm anh ạ, chúng tôi đến các cửa hàng thuốc như Đại Hùng chẳng hạn, chúng tôi bảo rằng đây là thuốc đi làm từ thiện, thế là Đại Hùng chỉ lấy giá nguyên gốc thôi. Vì vậy với khoản tiền nhỏ, tự dưng chúng tôi có nhiều thuốc.

 

Tôi hỏi:

 

- Chưa khám, biết bệnh gì mà chuẩn bị thuốc?

 

Chị Mai Hoa đáp:

 

- Chúng tôi đi khám nhiều nên biết dân vùng sâu vùng xa thường mắc bệnh xương cốt, khớp, thần kinh, đau đầu, tê chân tê tay. Nên chúng tôi chuẩn bị những loại thuốc đó là chính. Ngoài ra cũng có những loại thuốc khác để ứng cứu kịp thời.

 

- Tâm sự của các nhà tài trợ có điều gì đáng lưu ý nhất?

 

- Hầu như các ông đông y tài trợ thường tài trợ cho chính quê mình hay vùng đất mà mình có nhiều kỷ niệm nhất. Như lần này ông Đương quê ở Quảng Điền thì tài trợ thuốc cho Quảng Ngạn, Sịa, ông Chê quê ở Hương Thủy thì tài trợ cho Thủy Phù. Biết được tình cảm ấy cho nên thông thường, chúng tôi mời các ông có mặt để phát biểu với dân chúng vài câu cho có tình có nghĩa với nhau. Các ông rất phấn khởi anh ạ.

 

Tôi hỏi:

 

- Mỗi năm hội đông y Thừa Thiên Huế tổ chức được mấy đợt khám và phát thuốc miễn phí như thế này?

 

Chị Mai Hoa đáp:

 

- Mỗi đợt chúng tôi thường đi 3 ngày như anh thấy đấy. Riêng năm 2010 chúng tôi đi được 8 đợt. Năm 2011 này, đây là đợt thứ 4.

 

Người nghèo có quá nhiều vất vả, vất vả về đồng tiền, về bệnh tật, về cả thời gian. Nhiều lúc có bệnh, muốn vào viện nhưng nhìn quanh nhìn quẩn không kiếm đâu ra tiền để đi. Nhất là bà con lại ở vùng sâu vùng xa thật heo hút nếu về thành phố thì biết bao nhiêu lúng túng khó lường. Có được thầy thuốc về tận nơi, có được giấy mời đến khám và phát thuốc miễn phí, còn gì bằng. Việc làm từ thiện của Hội Đông y Thừa Thiên Huế là một bài học bất cứ ở đâu cũng nên tiến hành.

 

Nguyễn Quang Hà