Thừa Thiên - Huế phát huy thế mạnh y học cổ truyền

Thừa Thiên - Huế phát huy thế mạnh y học cổ truyền

Số lượt người khám, chữa trị đông y ở Thừa Thiên - Huế có sự gia tăng đáng kể trên các tuyến; trang thiết bị chuyên ngành được đầu tư thêm; đẩy mạnh việc trồng cây thuốc nam tại các Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; đầu tư phát triển Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh trở thành đơn vị chuyên khoa hạng II với quy mô 300 giường năm 2020.

Đó là những kết quả rất đáng mừng mà ngành y tế Thừa Thiên - Huế đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư (khóa X) về "Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” (Chỉ thị 24), Thông báo Kết luận số 154-TB/TW, ngày 20/12/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về 05 năm thực hiện Chỉ thị 24.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Bùi Thanh Hà phát biểu tại buổi làm việc với

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương cuối tháng 4/2018.

(Ảnh: Anh Tuấn)

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương cuối tháng 4/2018, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Bùi Thanh Hà cho biết, thông qua việc quán triệt, chỉ đạo, theo dõi và tổ chức thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, Kế hoạch 37-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thông báo kết luận 154-TB/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội đã nhận thức sâu sắc hơn, xác định nền Đông y và Hội Đông y các cấp là một bộ phận không thể thiếu của nền y học Việt Nam, đưa nhiệm vụ phát triển đông y thành nội dung trong các chỉ tiêu về y tế hàng năm.

Đến nay, tại Bệnh viện Trung ương Huế, tổng số lượt khám, chữa bệnh bằng đông y đạt 2.951 lượt năm 2017; tần suất bệnh nhân đến khám, điều trị tăng 126,4% (năm 2008 có 3.454 lượt; năm 2017 có 4.366 lượt) ở bệnh viện tuyến tỉnh. Riêng Bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) tỉnh (đơn vị chuyên khoa hạng II với quy mô 100 giường) trung bình mỗi năm có khoảng 3.500 lượt người đến khám, chữa trị; công suất sử dụng giường luôn đạt trên 140%. Hiện cơ sở y tế này đang được đầu tư xây mới với quy mô 300 giường và đang trình Bộ Y tế đề án phát triển thành Viện YHCT khu vực.

Quán triệt 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 9 giải pháp của Chỉ thị 24, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh được quan tâm đầu tư trang thiết bị chuyên ngành (máy sắc thuốc, máy siêu âm điều trị...), phục vụ tốt nhu cầu của địa phương và các tỉnh khác (chủ yếu ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên).

Hiện có 328 cán bộ làm công tác chuyên về YHCT từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở (chiếm 10%), trong đó, riêng tuyến y tế cơ sở là 209 người.

Theo ông Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, với việc sở hữu 2.000/6.000 cây dược liệu cả nước, Sở đã bước đầu lựa chọn, nghiên cứu và xác định 2-3 cây đặc hữu có tiềm năng ưu tiên phát triển. Tỉnh đang dần hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế đã có thương hiệu cả nước. Số tiền chi trả bảo hiểm y tế có sử dụng dịch vụ đông y đã tăng từ 20-30 tỷ đồng/năm lên 100 tỷ đồng/năm trên tổng quỹ 1.204 tỷ đồng được Trung ương giao (năm 2018).

Ngành Y tế Thừa Thiên Huế đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế

đã có thương hiệu cả nước.

Ngành cũng phối hợp với Hội Đông y các cấp đẩy mạnh việc trồng cây thuốc nam tại các Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn gia đình hội viên trồng cây thuốc, từ đó vừa cung cấp nguồn đông dược, vừa góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm nâng cao thu nhập.

Theo PGS. TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền (Bộ Y tế), tỉnh Thừa Thiên - Huế cần quan tâm từng bước hình thành các tuyến kết hợp tham quan du lịch di sản văn hóa với nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh bằng dịch vụ y tế truyền thống chất lượng cao dựa trên lợi thế về các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn hay các bài thuốc của đồng bào Pa Cô - Vân Kiều ở miền Trung (có tác dụng chống oxy hóa, diệt tế bào ung thư).

Thầy thuốc ưu tú Phạm Hinh - Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam trao đổi, với lợi thế là cái nôi của y học cổ truyền có từ thời nhà Nguyễn, địa phương cần phấn đấu tới năm 2020 có khoảng 30% bệnh nhân được điều trị bằng YHCT tại trạm y tế cơ sở, tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong khám chữa bệnh từ thiện, đặc biệt trong cộng đồng tôn giáo với các bài thuốc bản địa, thuốc nam bên cạnh vùng dược liệu được quy hoạch hợp lý.

Để phát huy thế mạnh y học cổ truyền, theo đồng chí Nguyễn Thái Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế,thời gian tới, ngành y tế Thừa Thiên - Huế cần tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 24, Kế hoạch 37 và Thông báo Kết luận 154, hoàn thiện hệ thống và nâng cao chất lượng, các phòng khám, chẩn trị đông y, trung tâm nghiên cứu, kết hợp y học hiện đại với đông y; đẩy mạnh sưu tầm, phát hiện, tập hợp và quy hoạch bảo tồn nguồn quỹ gen các cây, con làm thuốc, đặc biệt đối với những loài quý hiếm, chú trọng công tác xã hội hóa nền đông y và mở rộng hợp tác quốc tế./.

Anh Tuấn