Những đêm trắng của lương y Lê Quý Ngưu

“Để làm được ngần ấy công việc, cách duy nhất giúp tôi có thời gian là... bớt ngủ lại.” - ông Lê Quý Ngưu cho biết - “Mỗi ngày, tôi ngủ không quá 5 tiếng đồng hồ để nghiên cứu và biên soạn trên máy tính. Tôi tranh thủ những lúc thưa vắng bệnh nhân hay khách khứa để viết. Nhiều lúc say mê quá, thức trắng đêm là chuyện bình thường. Nhưng nhờ tôi có luyện Yoga nên vẫn giữ được sức khỏe.”

Người chỉ ngủ 5 giờ mỗi ngày

Với hơn 25 cuốn sách chuyên khảo về các đề tài liên quan đến Đông y và ứng dụng “vi tính chữ Hán” xuất bản đều từ năm 1991 đến nay, ta sẽ thán phục và kinh ngạc không biết lương y Lê Quý Ngưu lấy đâu ra thời gian khi vừa nghiên cứu, viết sách như một nghề tay trái, vừa điều trị cho bao bệnh nhân, vừa chăm lo cho gia đình riêng. Những cuốn sách đầu tiên của Lê Quý Ngưu chỉ khoảng 200 trang khô nhỏ nhưng những công trình về sau càng dài hơi và đầy công phu. Nhìn những cuốn sách bìa cứng khô A4 đồ sộ như “Châm cứu ứng dụng vạn niên lịch” (700 trang), “Dược tài Đông y” (850 trang), “Tự điển huyệt vị châm cứu” (1.200 trang), “Lịch vạn niên” (1.500 trang), “Vi tính chữ Hán dùng cho người Việt” (1.500 trang)..., người không am tường chuyên môn cũng có thể hiểu được ông đã đổ bao tâm huyết và công sức cho những trang viêt ấy.

“Để làm được ngần ấy công việc, cách duy nhất giúp tôi có thời gian là... bớt ngủ lại.” - ông Lê Quý Ngưu cho biết - “Mỗi ngày, tôi ngủ không quá 5 tiếng đồng hồ để nghiên cứu và biên soạn trên máy tính. Tôi tranh thủ những lúc thưa vắng bệnh nhân hay khách khứa để viết. Nhiều lúc say mê quá, thức trắng đêm là chuyện bình thường. Nhưng nhờ tôi có luyện Yoga nên vẫn giữ được sức khỏe.”

Căn phòng làm việc tại tư gia của lương y Lê Quý Ngưu ở số 44 đường Hải Triều, thành phô Huế, đã nhỏ lại càng chật hẹp hơn với những chiếc tủ quanh tường chất đầy sách vở và tài liệu. Chiếc bàn giấy cũng bày đầy sách báo. Ánh sáng duy nhất từ chiếc đèn tuýp nhỏ trên bàn làm việc hắt lên vách những khoảng nhờ nhờ, ẩn hiện mấy tấm bản đồ huyệt vị treo trên một khoảnh tường trống. Tướng mạo phương phi, vị lương y ngồi ở bàn làm việc, ngay tâm của nguồn sáng, tiếp phóng viên e-CHIP. Chúng tôi có cảm tưởng như ánh sáng trong phòng không phải tỏa ra từ ngọn đèn trên bàn mà từ chính con người đang say mê nói về những hoài bão đang ấp ủ.
Lương y Lê Quý Ngưu tâm sự: “Tất cả những gì tôi làm lâu nay qua những cuốn sách, từ lịch vạn niên đối chiếu âm dương suy ra can chi ngũ hành, từ danh mục các dược liệu đông y cổ truyền, cho đến các huyệt vị châm cứu... đều là những cơ sở dữ liệu mà nếu được sự góp sức, bổ sung của nhiều người, một khi tích hợp lại dưới dạng phần mềm sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những lương y hay đông y sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.”
Theo y lý phương Đông, nhiều huyệt mạch châm cứu chỉ khai mở đúng vào một ngày giờ nhất định theo sự chuyển động của luật âm dương. Kết hợp được sự đối chiếu chính xác ngày giờ âm dương theo Vạn niên lịch với các huyệt đạo sẽ giúp các lương y đạt được hiệu quả cao khi điều trị cho các bệnh nhân bằng cách châm cứu - dù là kim châm, thủy châm hay điện châm. Một cơ sở dữ liệu tổng hợp nhiều hồ sơ bệnh án Đông y cùng các loại thuốc điều trị lấy từ thảo dược Việt Nam cũng sẽ hết sức có ích trong những trường hợp điều trị bằng thuốc.
Những cơ sở dữ liệu chuyên về ngành y không phải là điều mới lạ đối với ngành y học phương Tây trên thế giới. Nhưng đối với y học cổ truyền, đây lại là một ý tưởng mới lạ và táo bạo. Cùng với lương y Hoàng Duy Tân ở Đồng Nai và một số ít lương y tại Huế như thầy Thích Tuệ Tâm và ông Trương Quang Phương, Lê Quý Ngưu đã đi những bước tiên phong trong việc hiện đại hóa Đông y Việt Nam. Hình ảnh một lương y mặc áo blu trắng, đeo ống nghe như một bác sĩ Tây y đã phát xuất từ chính những con người dám nghĩ dám làm này. Tất cả bắt đầu khi lương y Lê Quý Ngưu lần đầu tiên tiếp xúc với chiếc máy tính.

Bảo tồn văn hóa bằng... phần mềm
“Hơn 20 năm hành nghề Đông y, tôi đến với công nghệ thông tin (CNTT) vào khoảng năm 1995 vì nhu cầu nhập liệu chữ Hán,” - ông Lê Quý Ngưu kể lại chuyện xưa - “Công việc biên soạn sách Đông y của tôi đòi hỏi phải sử dụng nhiều chữ Hán là tên các vị thuốc, dược liệu... Cứ làm theo kiểu cũ là nhập liệu hết bằng tiếng Việt, chừa trống những chỗ có chữ Hán để sau đó viết bằng tay vào sau khi in ra giấy can thì rất cực nhọc và không chính xác, chưa kể đến yếu tố thẩm mỹ. Tôi mày mò tự học cách dùng bản Windows 3.1 chữ Hán để giải quyết nhu cầu của mình nhưng vẫn không thỏa mãn...”
Những cách nhập liệu của Windows 3.1, rồi sau này là Windows 95 bản tiếng Hoa chỉ thuận tiện cho người bản địa chứ rất khó khăn đối với người Việt. Các bản Windows của Trung Quốc chỉ hỗ trợ chữ Hán giản thể (simplified), trong khi các bản Windows của Đài Loan lại dành riêng cho chữ Hán phồn thể (traditional Chinese). Cả hai bản lại không hề hỗ trợ việc nhập liệu song song cả tiếng Hoa lẫn tiếng Việt. Mãi đến khi phần mềm xử lý tiếng Hoa trên nền Windows tiếng Anh mang tên TwinBridge (Song Kiều) ra đời và phổ biến thì vấn đề chuyển đổi qua lại giữa tiếng Hoa phồn thể và giản thể được giải quyết dễ dàng, hỗ trợ cả việc nhập liệu song song với các ngôn ngữ La-tinh, trong đó có tiếng Việt. Thê nhưng cách nhập liệu tiếng Hoa theo nét hay theo bộ vẫn chỉ thuận tiện cho người Hoa hay người nước ngoài đã thành thạo thứ chữ tượng hình rắc rối và đầy dẫy những từ đồng âm dị nghĩa này.
Một điểm độc đáo của TwinBridge là thiết kế mở, cho phép người dùng tạo thêm những mô-đun để hỗ trợ những kiểu nhập liệu khác. Từ những nghiên cứu thành công đầu tiên của ông Lê Ánh Minh ở TP.HCM nhằm tạo một cách nhập liệu mới bằng phiên âm Hán-Việt tích hợp vào TwinBridge, Lê Quý Ngưu đã phát triển thành một mô-đun hoàn chỉnh, cho phép người dùng nhập liệu tiếng Hoa chính xác theo phiên âm Hán-Việt bằng cả hai kiểu gõ phổ biến hiện nay là VNI và Telex. Cuốn sách đồ sộ “Vi tính chữ Hán dùng cho người Việt” dày 1.500 trang kèm theo CD-ROM của vị lương y Huế này chính là thành quả đúc kết từ bao ngày đêm miệt mài nghiên cứu. Những người học Hoa văn, Trung văn, các vị tăng lữ, những người chuyên nhập liệu và chế bản sách tiếng Hoa... đều hoan nghênh và sử dụng công trình của Lê Quý Ngưu. Ngay cả các cơ quan bảo tồn, bảo tàng Thừa Thiên-Huế lâu nay cũng nhập liệu chữ Hoa theo “phương pháp Lê Quý Ngưu”.
Song ông không dừng lại ở đó. Một phần mềm nhập liệu Hán-Nôm là điều mà vị lương y này đang thai nghén. Lương y Lê Quý Ngưu cho phóng viên e-CHIP xem hai cuốn sách chữ Nôm cùng xuất bản trong năm 1999. Một cuốn là “Đại tự điển chữ Nôm” của tác giả Vũ Văn Kích, cuốn kia là “Giản đọc Nôm và Hán-Việt” của Linh mục Trần Văn Viên. Phần chữ Nôm trong cả hai cuốn đều được viết tay vào giấy can khi chế bản. Trong khi đó, nhà xuất bản Daigakusyorin của Nhật Bản đã phát hành cuốn “Tự điển chữ Nôm” của tác giả Yonosuke Takeuchi với cả chữ Việt lẫn chữ Nôm được sắp chữ chính xác, thẩm mỹ bằng... phần mềm máy tính. Ông Lê Quý Ngưu nói: “Chính lòng tự ái dân tộc đã khiến tôi nung nấu ý định làm một phần mềm nhập liệu chữ Nôm dựa trên kinh nghiệm đã làm mô-đun phiên âm Hoa -Việt cho TwinBridge. Nhưng tôi muốn đó phải là một phần mềm hoàn chỉnh, độc lập chứ không phải tích hợp vào TwinBridge. Chữ Nôm là cái gốc văn hóa của người Việt Nam thì phải có một phần mềm hoàn toàn do người Việt làm cho người Việt sử dụng. Đó là một việc làm thiết thực để bảo tồn văn hóa.”
Hiện nay, ông Lê Quý Ngưu đã xây dựng đầy đủ dữ liệu Hán-Nôm để có thể làm nòng cốt cho một phần mềm như thế. Điều ông cần hiện nay là sự phối hợp với các nhà lập trình để có thể thiết kế thành một phần mềm trọn gói. Và đó là điều mà vị lương y này mãi băn khoăn vì không phải ai cũng như ông, có thể chuyên tâm đeo đuổi một công việc đòi hỏi nhiều thời gian, công sức mà sự đầu tư ban đầu chẳng có gì ngoài lòng tâm huyết và sự say mê.

Tác giả bài viết: Báo Echip