Hội nghị sơ kết công tác phát triển y dược cổ truyền Việt Nam

 
 

YHTH - Sáng 20-5-2016 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh/thành phố nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong công tác phát triển y, dược cổ truyền sau 5 năm thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Chính phủ về phát triển nền y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.

 

Hội nghị đã thông qua nhiều báo cáo tham luận của các Sở Y tế trên toàn quốc. Các báo cáo tập trung thảo luận về vấn đề như nghiên cứu phát triển nguồn dược liệu cổ truyền; nguồn nhân lực; hiệu quả của việc kết hợp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại; xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng và phát triển dược liệu...

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh “Y học cổ truyền có lịch sử lâu đời gắn liền với đời sống cộng đồng người Việt và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án giảm tải bệnh viện tuyến trên và tích cực tham gia đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án chuyển giao kĩ thuật, luân phiên cán bộ tuyến trên xuống tuyến dưới để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho cán bộ tuyến dưới”.


PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế 
phát biểu tại hội nghị

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch Hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020, nền y dược cổ truyền trong nước đã phát triển toàn diện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống quản lý Nhà nước được củng cố và hoàn thiện, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được mở rộng, số bệnh viện y học cổ truyền tăng từ 53 bệnh viện năm 2010 lên 58 bệnh viện năm 2015. Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở các tuyến đã thành lập khoa hoặc tổ y học cổ truyền chiếm 92,7%, đặc biệt bệnh đa khoa tuyến huyện, tỉ lệ có khoa y học cổ truyền chiếm 62,9%. Mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã ngày càng phát triển với 84,8%, tăng 4,9% so với năm 2010.

Thực tế cho thấy, việc phát triển y, dược cổ truyền góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn diện của nhân dân tuyến cơ sở. Bên cạnh đó còn đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dược liệu, giảm tối đa nhập khẩu dược liệu qua con đường tiểu ngạch, thúc đẩy nuôi trồng dược liệu trong nước theo quy hoạch phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 BBT.TCYHTH