Muồng truổng.

MUỒNG TRUỔNG
Zanthoxylum avicennae (Lam.) DC.

Tên khác: THÍCH THẢO THỤ (Trung).

MÔ TẢ:
1. Thân: Cây nhỡ, mọc thẳng hay cây gỗ nhỏ có thể cao tới 8m. Thân có gai. Cành nhẵn màu xám tro, gai thẳng ngắn, vỏ rễ màu vàng có vị cay.
2. Lá: Lá mọc cách, nhẵn, lá chét 6-13 đôi, hình mũi mác, dài 2-6cm, rộng 1-2cm, hình nêm ở hai đầu, nguyên hay khía răng nhỏ ở mép, mỏng cứng; 8-13 đôi gân bên rất nhỏ; lồi ở dưới như các gân con, tuyến nhỏ nom rõ ở mặt trên, cuống lá và sống lá hình trụ, đôi khi có 2 sườn nhỏ bên (cách thô sơ), lá vò có mùi thơm.
3. Hoa: Cụm hoa nhẵn, dài hơn các lá, ở ngọn thành tán kép. Hoa màu hơi trắng, không cuống. Đài 5, rất ngắn, có răng nhọn. Hoa đực có 5 nhị dài hơn các cánh hoa. Quả màu hồng tím, 1-3 mảnh vỏ, lớp trong không tách rời khỏi lớp ngoài. Hạt màu đen dài 3-4mm, bóng láng.
4. Mùa hoa quả: Ra hoa vào mùa hè-thu.
Nơi mọc: Ở vùng rừng núi tại miền Bắc, Trung nước ta. Cây thường gặp ở sườn núi trong rừng thưa hoặc hai bên đường, trong lùm cây.

Phần làm thuốc: Rễ, quả.

Thu hái, chế biến: Rễ thu hoạch quanh năm, rửa sạch, xắt lát, phơi khô, cất dùng. Thu hoạch quả vào mùa đông.

Tính vị: Vị hơi cay. Tính hơi ấm.

Tác dụng sinh lý: Đuổi phong hóa đàm, tiêu sưng giảm vàng da, hoạt huyết giảm đau.

Chủ trị:
1. Viêm gan vàng da, xơ gan thời kỳ đầu.
2. Viêm thận phù thũng.
3. Cảm ho, ho gà.
4. Đau do phong thấp, ứ đau do chấn thương bổ té, đánh đập.
5. Quả trị đau dạ dày, đau bụng.

Cách dùng thông thường:
- Dùng rễ khô mỗi lần 40-80gr, quả khô 4-8gr, sắc uống.
- Bên ngoài, dùng quả sắc lấy nước rửa trị lở ngứa, trùng roi âm đạo, viêm tuyến vú, sưng nhọt; dùng lá non giã nhuyễn đắp rịt nơi đau.

Cây hoang dại làm thuốc
(Lê Quý Ngưu Trần Thị Như Đức)