Thuốc Nam trị bệnh dạ dày

Đau dạ dày Đông y gọi là vị quản thống, là hiện tượng đau ở vùng thượng vị, vùng dưới tâm. Có thể đau nhiều hay đau ít, đau dữ dội hoặc âm ỉ.

Đau dạ dày Đông y gọi là vị quản thống, là hiện tượng đau ở vùng thượng vị, vùng dưới tâm. Có thể đau nhiều hay đau ít, đau dữ dội hoặc âm ỉ. Kèm theo đau là hiện tượng đầy trướng, ậm ạch, miệng đắng, ợ hơi, phân lỏng hoặc táo, chân tay lạnh, ăn ít, tiêu hóa trì trệ… Nguyên nhân do bực dọc, giận dữ nhiều quá hại đến can khí. Hoặc do tỳ vị hư hàn, do ăn uống thiếu vệ sinh, thiếu khoa học... Sau đây là một số bài thuốc Nam điều trị chứng này theo từng thể bệnh.

Đau dạ dày do can khí uất kết: Biểu hiện đau vùng thượng vị, đau lan tới hai bên hạ sườn, đầy tức khó chịu, tinh thần dễ bực dọc, cáu gắt, miệng đắng, tiểu đỏ, da vàng ợ hơi, nôn chua, rêu lưỡi vàng, phân khi lỏng khi táo không ổn định. Phép trị: sơ  can lý khí, điều hòa tỳ vị. Dùng một trong các bài:

 

Củ riềng là vị thuốc chữa đau dạ dày do tỳ vị hư hàn.

Bài 1: đan bì 10g, chi tử 12g, sài hồ 16g, bạch thược 12g, hạ liên châu 12g, cà gai leo 12g, bạch truật 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g, đinh lăng 16g, đương quy 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: hòa can thư can dưỡng tỳ ích vị.

Bài 2: bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, thần khúc 10g, rau má 16g, cỏ mần trầu 18g, đan sâm 12g, hạ liên châu 10g, chỉ xác 10g, trần bì 10g, sài hồ 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ thổ thư can, thông đạt can khí, từ đó sẽ có tác dụng giảm đau, cải thiện tiêu hóa.

Đau dạ dày do tỳ vị hư hàn: biểu hiện đau vùng thượng vị liên miên, môi nhợt da xanh, bụng đầy ậm ạch, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng nát, chân tay lạnh, cơ bắp mềm yếu, ăn ít, người mệt mỏi. Phép trị: kiện tỳ dưỡng vị, ôn trung chỉ thống. Dùng một trong các bài:

Bài 1: bán hạ 10g, hậu phác 10g, bạch truật 16g, đại táo 10g, đinh lăng 16g, ngũ gia bì 16g, lá đắng 16g, nhục quế 6g, củ riềng 12g, trần bì 10g, cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: ôn trung chỉ thống, bổ tỳ kiện vị.

Bài 2: bạch truật 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, đương quy 16g, hoàng kỳ 12g, lương khương 12g, sơn tra 10g, thần khúc 12g, cam thảo 12g, sâm bố chính 16g, sinh khương 6g, nhục quế 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: ôn bổ tỳ thổ, thông khí giảm đau. Phù hợp với những người hay bị sôi bụng, phân sống phân lỏng, tay chân yếu mềm, ăn ít, da xanh môi nhợt, đau âm ỉ vùng thượng vị. Uống 12 - 15 ngày là một liệu trình.

Đau dạ dày do ăn uống không hợp vệ sinh: do ăn phải thức ăn ôi thiu sống lạnh, thức ăn có độc tố, thức ăn không hợp với cơ địa. Biểu hiện đau trướng toàn ổ bụng, bụng căng đầy ậm ạch, khó thở. Đau tăng lên dần sau đó đại tiện phân lỏng, trường hợp nặng thì đi ngoài nhiều lần, đi liên tục gây ra tình trạng mất nước, mất tân dịch. Rối loạn điện giải, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, mặt hốc hác, da nhăn nheo. Trường hợp này cần xử trí khẩn cấp và đúng quy trình. Dùng một trong các bài:

 

Cà gai leo là vị thuốc chữa đau dạ dày do can khí uất huyết.

Bài 1: bạch truật sao hoàng thổ 16g, lá ổi 20g, cây cứt lợn (sao vàng hạ thổ) 20g, nhục quế 10g, sinh khương 8g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, trần bì (sao) 12g, chích thảo 12g. Sắc đặc chia uống 3 - 4 lần trong ngày. Công dụng: cầm tả, chỉ thống, tiêu thực, tiêu độc.

Bài 2: lá khổ sâm 16g, rau má (sao thơm) 20g, lương khương 12g, sinh khương 6g, thần khúc 12g, bán hạ 10g, hậu phác 10g, lá ổi 20g, nhục quế 10g, hoài sơn 16g, biển đậu 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: ôn trung chỉ tả, tiêu thực hòa vị. Khi bệnh đã ổn định thì dùng tiếp bài bổ thổ kiện tỳ.

Lương y Trịnh Văn Sỹ

Theo http://suckhoedoisong.vn/